EVERGRANDE- VAY NHIỀU RỒI VỠ NỢ? MỘT GÓC NHÌN KHÁC
2021-09-22 07:27
SỤP ĐỔ THÌ SAO?
- Thị trường Chứng khoán Mỹ, Châu Á và cả Việt Nam ngày hôm nay (21/9) đều đã bị ảnh hưởng bởi khả năng sụp đổ của Evergrande- tập đoàn bất động sản hàng đầu của Trung Quốc. Không chỉ bởi quy mô nợ hơn 300 tỷ USD, cùng với hơn 1,300 dự án bất động sản tại hơn 280 thành phố ở Trung Quốc. Bộ phận quản lý dịch vụ bất động sản của công ty tham gia gần 2,800 dự án tại hơn 310 thành phố Trung Quốc. Ngoài bất động sản, Evergrande còn có 7 công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực gồm: ô tô điện, dịch vụ y tế, sản phẩm tiêu dùng, sản xuất chương trình video và truyền hình, và thậm chí cả công viên, cùng với hơn 200,000 nhân viên và gián tiếp tạo hơn 3,8 triệu việc làm mỗi năm. Cổ phiếu và trái phiếu Evergrande đã được đưa vào nhiều chỉ số tại các thị trường ở châu Á. Vấn đề sụp đổ của Evergrande có thể gây ra tình trạng vỡ nợ chéo bao gồm các bên khác như ngân hàng, nhà cung cấp, người mua nhà và nhà đầu tư. Nhìn rộng hơn nữa đó chính là những tác động tiêu cực lên cả hệ thống tài chính của Trung Quốc, gây bất ổn xã hội và khiến quá trình hồi phục sau dịch bệnh của nền kinh tế Trung Quốc nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung bị ảnh hưởng.(đã chỉnh sửa)
NGUYÊN NHÂN CHÍNH DẪN ĐẾN TÌNH TRẠNG NÀY
- Trước hết, cần nói đến cách thức phát triển của tập đoàn này là dựa vào sự tăng trưởng nóng của thị trường bất động sản kết hợp với việc vay nợ nhiều để mở rộng quy mô nhanh chóng Mọi chuyện bất lợi khi Chính quyền Trung Quốc bắt đầu đưa ra những phương án để hạn chế tỷ lệ nợ vay của các nhà phát triển bất động sản lớn vào tháng 08/2020. Mô hình kinh doanh của Evergrande phụ thuộc vào các khoản trả trước (presales) của người mua. Do đó, các biện pháp của Bắc Kinh đã khiến tập đoàn bán tháo hơn 1.5 triệu bất động sản nhằm duy trì thanh khoản khi việc khả năng huy động vốn bằng nợ vay còn bị hạn chế bởi việc Fitch và S&P hạ xếp hạng tín nhiệm . Tại sao Bắc Kinh lại có động thái này? Nguyên nhân có lẽ đến từ việc những thay đổi trong quan điểm của Bắc Kinh về cái gọi là “ thịnh vượng chung” nhằm phân phối lại của cải và dần thu hẹp sự bất bình đẳng xã hội. Giá nhà ở tăng cao là một trong những nguyên nhân lớn gây ra sự bất bình đẳng này và Bắc Kinh cho rằng cần có một sự can thiệp để phá vỡ vòng tròn đầu cơ trên thị trường nhà đất.
CHÍNH PHỦ TRUNG QUỐC CÓ CỨU KHÔNG
- Các tập đoàn bất động sản lớn đi vay nợ nhiều, sau đó làm nóng thị trường bất động sản khiến người dân, đặc biệt là lớp trẻ không thể mua nhà và/hoặc phải mua với giá cao gấp nhiều lần so với trước đây ( giảm welfare chung), với niềm tin rằng mình sẽ được Chính phủ cứu nếu vỡ nợ ( rủi ro đạo đức)- mà thực ra người cứu chính là những người đóng thuế ( tax payer) -cũng là nhóm người phải bỏ tiền ra mua giá nhà cao hơn từ chính hành động của những tập đoàn này. Vậy rõ ràng, nhóm tập đoàn này ngay từ đầu đã là mục tiêu của Chính phủ Trung Quốc thể hiện qua một lộ trình rất rõ ràng về việc đưa ra các tiêu chuẩn về nợ vay mới trong tháng 08/2020, do đó chúng tôi đánh giá rằng, không có lý do gì để Bắc Kinh giang tay ra cứu lúc này. Có lẽ, Bắc Kinh đang cho rằng yêu thì nên cho roi cho vọt ( tough love) vì những lợi ích lâu dài hơn cho toàn xã hội.(đã chỉnh sửa)
KHOẢNH KHẮC CỦA SỰ THẬT
- Evergrande sẽ phải thanh toán số tiền lãi 83 triệu USD vào ngày thứ Năm (23/9). Đây là tiền lãi của một lô trái phiếu USD kỳ hạn 5 năm, với tổng mệnh giá phát hành khoảng 2 tỷ USD. Tiếp đó, vào ngày thứ Tư tuần tới, Evergrande sẽ tới hạn phải thanh toán lãi suất của một lô trái phiếu USD khác có kỳ hạn 7 năm. Chúng ta sẽ dần được biết Chính quyền Trung Quốc cứng rắn đến đâu vào thời gian kế tiếp. Tuy nhiên, chúng ta nên quan sát, chú ý nhưng không nên lo lắng thái quá bởi một nỗi sợ không biết là gì ( fear of unknown)