Sự kiện Jackson Hole được cả thế giới tài chính trông đợi khép lại bởi bài phát biểu khá ngắn nhưng với giọng điệu cứng rắn nhất của Chủ tịch Fed tính tới thời điểm này. Jay Powell tuyên bố “ sẽ tiếp tục (nâng lãi suất) ĐẾN khi công việc hoàn thành”, đồng thời “ sẽ có những chi phí để giảm lạm phát”, hàm ý sẽ sẵn sàng để khu vực hộ gia đình và doanh nghiệp “chịu một số đau đớn” nhằm đưa giá cả ổn định trở lại.
Một điều đáng lưu ý đó chính là trong phần đầu bài phát biểu, Jay Powell nói khá nhiều về bài học chống lạm phát giai đoạn năm 1970s của Paul Volcker – chủ tịch Fed giai đoạn đó, đã sẵn sàng để nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái nhằm tái định vị ( anchored) lại kỳ vọng lạm phát của người dân. Điều này cho thấy, Fed sẵn sàng mạnh tay để lấy lại uy tín của mình sau những nhận định sai lầm về lạm phát trong 2 năm vừa qua, cụ thể Jay Powell nói “ Chúng tôi đang thực hiện những bước mạnh mẽ và nhanh chóng để kiểm soát cầu để nó phù hợp hơn với cung và định vị lại kỳ vọng lạm phát”.
Điều đáng lưu ý thứ hai, đó chính là trong bối cảnh nhiều nhà kinh tế học nổi tiếng ( chả hạn Paul Krugman) đang lên tiếng về việc Fed phải thực sự cẩn thận không nên mạnh tay quá mức cần thiết khi lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt.
Chủ tịch Fed đưa ra quan điểm rất rõ ràng “ The historical record cautions strongly against prematurely loosening policy”, lãi suất sẽ cần phải được duy trì ở mức có thể kìm hãm tăng trưởng “trong một thời gian”- hàm ý rằng lạm phát là ưu tiên hàng đầu dù có phải hi sinh tăng trưởng kinh tế. Tại sao Jay Powell lại có quan điểm cứng rắn với ý kiến của các nhà kinh tế khác như vậy ? Cần quay lại lịch sử một chút, giai đoạn đầu những năm 70s, khi xảy ra cú shock giá dầu, nền kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng đình lạm ( tăng trưởng âm, lạm phát cao do chi phí đẩy), Fed đã nâng lãi suất lên 10% để kiềm chế lạm phát, điều này dẫn đến nền kinh tế càng rơi vào suy thoái.
Những chỉ trích bắt đầu nhiều hơn ( về việc quá cứng rắn) và Fed bắt đầu nhượng bộ, giảm lãi suất về mức khoảng 5%, nền kinh tế Mỹ bắt đầu hồi phục với mức tăng trưởng khoảng 3% và lạm phát 6%, nhưng kể từ đó, kỳ vọng lạm phát bắt đầu tăng lên vượt khỏi tầm kiểm soát ( quay trở lại mức 9-10%) khiến Paul Volcker ( nhậm chức năm 1979) phải mạnh tay đánh đổi 2 cuộc suy thoái của nền kinh tế Mỹ sau đó và đưa lãi suất có lúc lên tới 15%. Có lẽ, Jay Powell không muốn mình phải rơi vào tình trạng phải mạnh tay như người tiền nhiệm của mình bằng việc bác bỏ dữ liệu lạm phát gần đây “ sự cải thiện trong một tháng là chưa đủ..”
Với quan điểm cứng rắn hơn của Fed sau hội nghị Jackson Hole lần này, thì tâm lý nhà đầu tư sẽ bị tác động rất mạnh, đồng thời nguồn tiền trong thị trường sẽ được rút ra nhanh hơn, không chỉ do tác động của việc nâng lãi suất, mà quan trọng hơn là tốc độ thu hẹp bảng cân đối của Fed đã bắt đầu tăng tốc.
Đối với thị trường chứng khoán Việt nam, trong phiên cuối tuần, áp lực bán có mạnh hơn đặc biệt ở nhóm vốn hoá vừa và nhỏ. Tuy nhiên, bên cầm cổ vẫn tỏ ra khá kiên nhẫn chờ đợi do những thông tin về việc phân bổ room tín dụng còn lại trong năm 2022 từ sáng 26/8 được lan truyền khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng phân hoá và giảm không quá mạnh, nhiều mã giữ nhịp cho thị trường chung như VCB, EIB, BID.
Tín hiệu mới nhất từ Fed nhiều khả năng sẽ tác động đến tâm lý giới đầu tư trong nước, đặc biệt là khi thị trường đã tiến sát đến vùng 1,300 điểm-là thời điểm mà tâm lý chốt lời của bên cầm cổ đã lên cao. Kết hợp hai thông tin trên thì nhiều khả năng phiên đầu tuần sau, thị trường sẽ giảm điểm đầu phiên và dần hồi phục về sau, đặc biệt sau khi thông tin về việc phân bổ room tín dụng còn lại của năm 2022 được NHNN công bố. Xu hướng ngắn hạn của thị trường sẽ là tăng giảm đan xen, thể hiện sự luân chuyển dòng tiền giữa các nhóm ngành diễn ra ở tốc độ cao trong bối cảnh giao dịch T+2 chính thức được thực hiện.